Câu chuyện chiếc bút
Cập Nhật: 14/5/2021 | 10:58:45 AM
Câu chuyện chiếc bút nói lên 3 ý: - Mọi thứ trên đời đều có "tính không", "trung tính". - Mọi sự việc, sự vật xảy ra như thế nào là do mình nghĩ. - Đừng đổ lỗi cho yếu tố bên ngoài mà không phải chính mình.
Câu chuyện chiếc bút
Câu chuyện này có nguồn gốc từ trong cuốn sách "Năng đoạn kim cương" của tác giả Geshe Michael Roach - Tiến sỹ Phật học ở Tây Tạng nhưng người Mỹ. Câu chuyện này tuy đơn giản nhưng truyền tải một thông điệp mà đa phần chúng ta cần phải ngẫm nghĩ lại.
"Một người trong căn phòng cầm 1 chiếc bút trên tay. Khi đó, mặc nhiên rằng người này nghĩ đây là 1 chiếc bút dùng để viết lên những thứ mà người này muốn viết, muốn vẽ.
Thế nhưng khi con chó cũng bước vào căn phòng đó, nhìn thấy ông chủ đang cầm chiếc đưa ra thì con chó chạy tới gặm chiếc bút. Lúc này trong suy nghĩ của con chó thì đấy là món đồ chơi cùng với ông chủ.
Vậy là với ông chủ thì luôn tâm niệm đó là cây bút và tính năng của nó dùng để viết hoặc vẽ. Thế nhưng với con chó thì nghĩ khác, với nó đây là một trong những món đồ và tính năng của nó chỉ để gặm và chơi.
Khi này, người ta mới đặt ra câu hỏi là con chó đúng hay ông chủ kia đúng?
Có người nói con chó cũng đúng và ông chủ của nó cũng đúng. Vậy chúng ta sẽ nghĩ thế nào?
Ông chủ đặt chiếc bút lên bàn và cùng con chó đi ra ngoài. Lúc này, chiếc bút là chiếc bút hay chiếc bút là đồ chơi dùng để gặm?
Các bạn đọc đến đây thì dừng lại để nghĩ chút nếu chưa có đáp án nhé.
Theo thuyết "Năng đoạn kim cương" thì chiếc bút mà chúng ta nghĩ vốn dĩ bản thân chính nó không phải là chiếc bút và cũng không phải là đồ chơi. Nó là chính nó và chính nó không là cái gì cả, nó có "tính không" hay "trung tính".
Nó là chiếc bút chỉ là do chúng ta dán cho nó cái nhãn chiếc bút. Nó là đồ chơi là do con chó dán cho nó cái nhãn đồ chơi.
Vậy, chúng ta có thêm một khái niệm mới chiếc bút mà lại không phải chiếc bút mà lại không là gì cả "tính không".
Thông điệp ở đây là gì?
- Mọi thứ trên đời đều có "tính không", "trung tính".
- Mọi sự việc, sự vật xảy ra trong đời của chúng ta như thế nào chỉ là do chúng ta nghĩ.
Chúng ta nghĩ chúng ta thấp kém thì tự chúng ta sẽ thấy thấp hèn trước người khác. Chúng ta nghĩ người khác xấu xa thì chưa chắc người khác đã nghĩ người đó xấu xa vì đó chỉ là cách nghĩ và đánh giá của chúng ta thôi; cũng giống như con chó nghĩ chiếc bút là đồ chơi chứ không giống chúng ta nghĩ đó là chiếc bút.
Trong công việc, những khó khăn giăng đầy trước mắt, nếu chúng ta nghĩ đó là khó khăn là cản trở thì sẽ cản trở chúng ta tiếp bước và dẫn đến dừng bước, thất bại; nếu chúng ta nghĩ đó là những thách thức thì chúng ta sẽ cố gắng và tìm mọi cách để vượt qua để thể hiện bản thân mình thì chúng ta sẽ thành công.
Trên đời này không có gì là dễ dàng cho chúng ta cả. Đừng mãi mê đi tìm kiếm những thứ dễ dàng mà trốn tránh những khó khăn, vất vả. Chính những khó khăn vất vả mới rèn giũa chúng ta thành những thanh gươm sắc bén, nhanh nhẹn và giúp chúng ta vượt qua dễ dàng tất cả những thách thức trong đời.
Trong cuộc sống, hạnh phúc không phải là có địa vị, có nhiều tiền mới có hạnh phúc. Ngoài kia, có rất nhiều người có tiền, có địa vị nhưng vẫn kêu than là bất hạnh.
Hạnh phúc là do chúng ta tự cho mình thỏa mãn và hài lòng với những gì mình có thì cảm nhận thấy ý nghĩa của cuộc đời. Vì vậy, cho dù chúng ta có nghèo hay giàu thì chọn cho mình cách nghĩ, cách tư duy, cách thỏa mãn để được hạnh phúc mỗi ngày.
- Đừng đổ lỗi cho yếu tố bên ngoài mà không phải chính mình.
Hãy sống có trách nhiệm. Khi chúng ta có trách nhiệm với các yếu tố bên ngoài, thì chúng ta mới phát triển, cải tiến, thay đổi kịp thời để phù hợp với các yếu tố bên ngoài. Hãy thay đổi mình theo hướng tích cực đừng đòi thay đổi người khác hay thế giới quan.
Bạn đọc hãy bình luận về câu chuyện dưới đây nhé!
Xem thêm các bài viết thú vị khác từ góc học tập của TRUNG TÂM PHÁT TRIỂN CHẤT LƯỢNG DHV
Địa chỉ: Số 31 đường Nguyễn Xiển - Quận Thanh Xuân - TP. Hà Nội.